Steve Tobak - nhà tư vấn quản lý, huấn luyện viên điều hành, và cựu giám đốc điều hành cấp cao của ngành công nghiệp công nghệ cao tại Thung lũng Silicon, qua quá trình làm việc của mình đã đúc kết được những điều quan trọng này về marketing:
Nếu bạn yêu cầu 20 lãnh đạo doanh nghiệp định nghĩa về marketing, có thể bạn sẽ nhận được 20 câu trả lời khác nhau. Tại sao lại khó nắm bắt khái niệm về marketing đến vậy?
Có lẽ bởi vì hầu hết các chuyên gia tiếp thị cũng không hiểu chính bản thân họ. Họ giới hạn công việc của mình trong một phạm vi hạn hẹp và chưa thực sự thấy được bức tranh toàn cảnh.
Bất chấp bản chất mơ hồ đó, marketing vẫn đóng vai trò then chốt trong kinh doanh.
Theo cha đẻ của nghệ thuật quản lý hiện đại Peter Drucker thì: "Vì mục đích của việc kinh doanh là tạo ra một khách hàng, công ty kinh doanh có hai và chỉ hai chức năng cơ bản: marketing và đổi mới. Marketing là chức năng khác biệt của một doanh nghiệp".
Vậy marketing là gì? Nhà đầu tư mạo hiểm huyền thoại tại Silicon Valley và cựu Giám đốc điều hành hãng Intel Bill Davidow cho rằng, "Marketing phải tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh và đưa chúng tới những vị trí hàng đầu trong những phân khúc thị trường khó khăn".
Điều lạ là Davidow chưa từng học marketing ở trường. Tất cả bằng cấp của ông đều thuộc lĩnh vực kỹ sư điện.
Steve Jobs, một chuyên gia tiếp thị sáng chói khác cũng đã từng bỏ học. Tôi đã từng làm công việc tiếp thị cho một số công ty công nghệ cao và các bằng cấp của tôi đều thuộc lĩnh vực kỹ thuật, không có tấm bằng MBA nào trong số đó.
Vậy các nhà tiếp thị vĩ đại học về marketing ở đâu?
Trong chính công việc.
Các công ty mới khởi sự là nơi tuyệt vời để bạn thu lượm kiến thức về marketing, vì họ chủ yếu phát triển các sản phẩm sáng tạo và lôi kéo sự quan tâm của khách hàng, ngoài ra những điều khác là không đáng kể.
Bên cạnh đó, họ cũng luôn khó khăn về tiền mặt và cần rất nhiều nhân sự đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau. Đó là cách tôi bắt đầu công việc tiếp thị của mình từ hơn 20 năm trước. Dưới đây là 7 sự thật về marketing mà mọi lãnh đạo doanh nghiệp cần biết:
Con người không phải là đấng toàn năng, thế nên một nhà lãnh đạo doanh nghiệp không phải cái gì cũng thực sự hiểu rõ. Họ có thể giỏi vạch ra chiến lược và dẫn dắt người khác nhưng không chắc rằng họ cũng biết cách làm từng công việc để thực hiện chiến lược đó. Mỗi người đều có những kỹ năng chuyên môn khác nhau, nhưng một nhà lãnh đạo giỏi cần nắm bắt được toàn cục để có thể đưa ra kế hoạch phù hợp. Trong lĩnh vực Marketing cũng vậy, đó là một mảng rộng lớn của sự sáng tạo và nhanh nhạy, các lãnh đạo cần có những hiểu biết nhất định để không mắc sai lầm trong việc đưa ra quyết định.
1. Marketing không đơn giản để ai cũng nghĩ mình làm được
Nhắc đến Marketing nhiều người chỉ cười xòa và coi đó đơn thuần là công việc “chém gió” để thu hút và thuyết phục người khác dùng sản phẩm, dịch vụ của mình. Về cơ bản thì đúng là vậy, giống như bản chất của sự vật luôn đơn giản, nhưng đi sâu vào Marketing còn rất nhiều vấn đề xung quanh. Marketing là phải hiểu thị trường, hiểu khách hàng, hiểu sản phẩm, biết cách đón đầu xu hướng, biết sáng tạo và có tư duy chiến lược. Làm Marketing là tổng hợp của rất nhiều kĩ năng, đôi khi người ta chỉ nhìn bề nổi mà cho rằng Marketing là nghề “uốn ba tấc lưỡi”.
Vì thế các nhà lãnh đạo cần đặt Marketing vào vị trí quan trọng và luôn lưu tâm đến hướng đi và cách thực hiện của công tác này. Cho rằng Marketing là bước đầu trong kinh doanh cũng đúng, mà nói nó là bước cuối cũng không sai, nhưng điều luôn không đổi là Marketing thực-sự-rất-quan-trọng. Có người từng nói vui, làm kinh doanh mà không có Marketing chẳng khác nào nháy mắt với người yêu trong bóng tối, vừa vô nghĩa vừa nực cười.
2. Thương hiệu vẫn là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp
Thương mại điện tử xuất hiện, kinh doanh trở thành điều dễ dàng, nhiều người bắt đầu cho rằng thương hiệu dần mất vị thế dẫn đầu trong các yếu tố làm nên thành công của doanh nghiệp. Suy nghĩ thiển cận này tốt nhất không nên đề cập đến với một nhà lãnh đạo giỏi, vì hơn ai hết họ là người hiểu rõ giá trị mà thương hiệu mang lại cho doanh nghiệp. Ví như những ông lớn Microsoft, Google,…vẫn vững chân cho dù có bao nhiêu “đứa nhỏ” mới ra đời đi nữa. Thương hiệu là tài sản có giá trị nhất của doanh nghiệp, nó là kết quả từ những cố gắng kinh doanh trong suốt quá trình phát triển của doanh nghiệp.
Và, thương hiệu đi lên nhờ vào đâu? Dù danh sách có dài đến mấy vẫn luôn có vị trí của Marketing, Marketing là công cụ hữu hiệu giúp quảng bá và củng cố thương hiệu.
3. Người làm Marketing giỏi không phải người phát minh
Marketing cần sự sáng tạo của con người, nhưng không có nghĩa người làm Marketing giống các vĩ nhân sáng tạo ra cái mới. Mà Marketing là việc tái sử dụng các ý tưởng theo những cách khác, phù hợp hơn. Một nhà tiếp thị giỏi là người biết cách biến phát minh thành thứ sử dụng được.
Như vậy Marketing có vẻ chỉ mang tính chất phụ trợ, nhưng lại là yếu tố quyết định đến sự thành bại của sản phẩm, là công cụ giúp các nhà lãnh đạo đạt được mục đích cuối cùng của mình trong kinh doanh: bán được hàng.
4. Marketing không phải là trách nhiệm của riêng phòng Marketing
Hoàn toàn sai lầm khi cho rằng Marketing là việc của một bộ phận. Nhiều người nghĩ nhiệm vụ của Marketing là phải làm sao thu hút được khách hàng đổ về, còn những người khác chỉ cần làm tốt việc phục vụ khách hàng sao cho bán được sản phẩm là xong. Suy nhĩ công nghiệp như vậy chỉ khiến nội bộ doanh nghiệp thiếu liên kết, thậm chí xảy ra mẫu thuẫn quyền lợi. Vì Marketing là thành phần cốt lõi trong quá trình vận hành của một doanh nghiệp, nó liên quan tới nhiều lĩnh vực khác như phát triển sản phẩm, sản xuất, tài chính, kinh doanh,…
Mọi người đều cần hỗ trợ cho bộ phận Marketing, đặc biệt là ban lãnh đạo, để tạo điều kiện tốt nhất cho bộ phận này phát huy những chiến lược của mình.
5. Marketing là thấu hiểu
Muốn làm Marketing tốt trước tiên phải xác định được những gì khách hàng mong muốn, đôi khi trước cả khi họ nhận ra điều đó. Nói Marketing là một trò chơi tâm lý cũng không sai, để thắng cuộc các doanh nghiệp cần phải chủ động, dẫn dắt khách hàng đến với cái đích mình sắp đặt trước. Muốn làm được điều ấy, doanh nghiệp nên tìm kiếm và tập trung vào nhóm khách hàng mục tiêu, khai thác nhu cầu của họ và cung cấp thứ họ cần.
6. Marketing không thuộc về một phía
Cố nhiên Marketing làm việc cho doanh nghiệp thì phải phục vụ cho doanh nghiệp và đem lại những thành công trong kinh doanh. Nhưng một người làm Marketing giỏi không phải chỉ đem thắng lợi về cho một phía người bán, mà còn phải khiến người mua cũng cảm thấy mình chiến thắng. Thắng về giá trị lợi ích, thắng về thỏa mãn tinh thần. Như thế có nghĩa là làm Marketing phải khéo léo để khách hàng không cảm thấy mình đang bị lôi kéo, mà họ tình nguyện mua hàng vì họ nhận thấy mình có được những thứ đáng giá từ sản phẩm mang lại. Điển hình nhất là đối với những dòng sản phẩm cao cấp, phải thực hiện Marketing thế nào để khách hàng thấy được mình sang trọng hơn khi sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp.
7. Marketing không nhất thiết phải có nhiều tiền
Cần khẳng định lại một lần nữa, không nhất thiết cần nhiều tiền, nhưng cũng không có nghĩa là không cần có tiền. Tất nhiên có những phương thức Marketing 0đ, nhưng để đạt được hiệu quả cao với cách đó không hề dễ dàng, nên nhớ chẳng có gì cho không bao giờ. Một người làm Marketing giỏi là người biết chi ít mà hưởng nhiều, lợi dụng vào chính sức mạnh lan tỏa từ các chiến lược của mình.
Không cần hàm hồ cho rằng miễn phí vẫn dùng tốt, có chăng là khi chúng ta đã có cơ sở vững chắc. Còn không, hãy biết cách chi tiêu hợp lý trong Marketing, tận dụng những gì mình có để không phải đổ cả núi tiền mà kết quả vẫn vậy.
P/S: Sưu tầm